Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - Thách thức lớn với thị trường lao động

Bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỷ XX, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã và sẽ hình thành những công nghệ xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học cả trong đời sống, sản xuất, cũng như trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp. Cùng với đó là sự ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động Việt Nam, vốn chủ yếu là lao động trình độ thấp.

 

Phân hóa mạnh mẽ theo kỹ năng

Khác với cuộc CMCN lần thứ ba, cuộc CMCN 4.0 có sự ứng dụng rộng rãi và tốc độ ứng dụng rất nhanh đang làm biến đổi mọi nền công nghiệp ở mọi quốc gia. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này tạo nên sự biến đổi của toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. Chúng ta đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các thế hệ điện thoại di động thông minh với những ứng dụng vô cùng phong phú.

Trong cuộc cách mạng này, thị trường lao động sẽ bị thách thức nghiêm trọng giữa chất lượng cung và nhu cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. Khi tự động hóa thay thế con người trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, người lao động chắc chắn sẽ phải thích ứng nhanh với sự thay đổi của sản xuất nếu không sẽ bị dư thừa, bị thất nghiệp. Theo một số dự báo, trong một số lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot, số lượng nhân viên sẽ giảm đi còn khoảng 1/10 so với hiện nay. Như vậy, 9/10 số nhân lực còn lại sẽ phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp. Cuối năm 2015, Ngân hàng Anh quốc đưa ra một dự báo: Sẽ có khoảng 95 triệu lao động truyền thống bị mất việc trong vòng 10-20 năm tới chỉ riêng tại Mỹ và Anh - tương đương 50% lực lượng lao động tại hai nước này. Ở các quốc gia khác cũng sẽ xảy ra tình trạng tương tự. Hàng loạt nghề nghiệp cũ sẽ mất đi và thay thế vào đó là những nghề nghiệp mới. Thị trường lao động trong nước cũng như quốc tế sẽ phân hóa mạnh mẽ giữa nhóm lao động có kỹ năng thấp và nhóm lao động có kỹ năng cao. Lao động giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh của các thị trường mới nổi ở châu Mỹ la-tinh và châu Á. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, cuộc cách mạng 4.0 không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung (trung cấp, cao đẳng) cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu như họ không được trang bị những kỹ năng mới - kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế 4.0.

Thay đổi để thích ứng

Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ phải đối mặt với thách thức nêu trên. Một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố tháng 7-2016 cho biết, có đến 86% lao động trong các ngành dệt - may và giày dép tại Việt Nam có nguy cơ cao mất việc làm dưới tác động của những đột phá về công nghệ, do cuộc CMCN 4.0 đem lại. Nguy cơ này có thể chuyển thành con số thiệt hại không hề nhỏ, khi các ngành như dệt - may, giày dép đang tạo ra nhiều triệu việc làm cho lao động trong nước.

Để tiếp cận và thích ứng với CMCN 4.0, các nước, trong đó có Việt Nam, coi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của hợp tác và cạnh tranh trong thị trường lao động không biên giới.

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ bị tác động mạnh mẽ và toàn diện, danh mục ngành nghề đào tạo sẽ phải điều chỉnh, cập nhật liên tục vì các ranh giới giữa các lĩnh vực rất mỏng manh. Sẽ là sự liên kết của các lĩnh vực lý - sinh; cơ-điện tử-sinh, hình thành những nghề đào tạo mới, đặc biệt là những nghề liên quan đến sự tương tác giữa con người và máy móc tự động (thí dụ, nghề trợ lý ảo, phục vụ ảo, thư ký ảo)… Những khái niệm phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo sẽ trở thành xu hướng trong hoạt động đào tạo nghề nghiệp trong thời gian tới.

Cuộc cách mạng này đang và sẽ buộc các doanh nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất và cách thức hoạt động kinh doanh của mình. Và với những phiên bản cách mạng công nghiệp 4.1; 4.2 sẽ tạo ra sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp, giữa các nền kinh tế và năng lực con người chứ không phải nguồn vốn tài chính sẽ trở thành nhân tố quyết định của nền sản xuất.

Nhìn rộng ra, trong quá trình tiến tới thời điểm “dân số vàng”, khoảng 20 năm qua, tổng số lao động Việt Nam đã tăng thêm khoảng 19 triệu người, từ mức 35 triệu (năm 1996) lên 54 triệu (năm 2016). Điều này là lợi thế khi nhiều nước phát triển đang suy giảm nguồn lao động, nhưng lại là điểm yếu khi máy móc làm thay con người. Bên cạnh đó, Việt Nam đang dồn nỗ lực để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, chứ chưa có nhiều nguồn lực để đối phó như các nước đã phát triển. Điều đó cũng có nghĩa, lợi thế nguồn nhân lực lớn hiện nay rất có thể lại trở thành lực cản của quá trình phát triển trong tương lai, nếu tác động tiêu cực của CMCN 4.0 không được chủ động hóa giải.

Chính vì thế, để chủ động thích ứng và hóa giải thách thức, việc xác định lại mô hình đào tạo nghề cần được cấp thiết tiến hành. Song song với việc nâng cao chất lượng lao động, cần chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình đào tạo “những gì thị trường cần” và hướng tới chỉ đào tạo “những gì thị trường sẽ cần”. Theo mô hình mới này, việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp là yêu cầu được đặt ra; đồng thời, đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để chia sẻ các nguồn lực chung: cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực, quan trọng hơn là rút ngắn thời gian chuyển giao từ kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống.

Cùng với những nỗ lực như trên, một điều cực kỳ quan trọng là Việt Nam không thể không quan tâm phát triển ngành tự động hóa, đồng thời đầu tư cho các nhóm nghiên cứu sâu về các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ thông tin, năng lượng và vật liệu mới, công nghệ sinh học... Xét đến cùng, vấn đề quan trọng là phải đào tạo, phát huy và sử dụng được nhân tài, thu hút được nhiều chuyên gia có trình độ cao tham gia làm việc, sáng tạo. Vấn đề này nhiều năm qua chúng ta đã bàn nhưng hiện tượng chảy máu chất xám vẫn xảy ra phổ biến. Trong giai đoạn hiện nay, cần phải có chính sách đột phá về sử dụng nhân tài. Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tin rằng nước ta sẽ tận dụng được cơ hội, vừa có nội lực để vượt qua những tác động khó lường của CMCN 4.0.

TS VŨ XUÂN HÙNG

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân cuối tuần

 

Số lượt xem bài viết: 1724, Ngày cập nhật cuối cùng: 20/01/2017

 

Video